Quân Hồi giáo tiến binh Trận_Tours

Bản đồ xâm lăng của quân Hồi
Tours
Autun
Địa điểm của cuộc chiến.

Quân đội Umayyad, dưới sự chỉ huy của Al-Malik ibn Samh al-Khawlani, Tiểu vương(emir) al-Andalus (nay là xứ Aldalucia của Tây Ban Nha), tràn qua Septimania vào năm 719 sau khi quét sạch đối thủ của mình trên Bán đảo Tây Bồ. Al-Samh lập kinh đô của mình vào năm 720 tại thành phố Narbonne, mà người Moor gọi là Arbūna. Sau khi chiếm được Narbonne, Umayyad nhanh chóng chinh phục các thành phố lớn như Alet, Béziers, Agde, Lodève, Maguelonne và Nîmes của người Visigoth (Tây Gốt) mà không gặp một sự kháng cự đáng kể nào.[22]

Các chiến dịch của quân Umayyad nhằm vào Aquitaine tạm thời bị ngăn lại tại trận Toulouse (721), khi Công tước Odo của Aquitaine (còn gọi là Eudes vĩ đại) đã phá vỡ cuộc bao vây thành Toulouse, bất ngờ tấn công vào Lực lượng của Al-Malik ibn Samh, qua đó giết và gây thương vong lớn cho quân Hồi giáo trong đó có cả chính Tổng đốc Al-Malik ibn Samh. Thất bại này đã không chặn được các cuộc xâm lược của lực lượng Hồi giáo người Moor vào xứ Gaul cũ của La Mã. Họ tiếp tục chiếm đóng và đặt tổng hành dinh ở thành phố Narbonne để được thuận tiện cho việc cung cấp bằng đường biển và tấn công về phía đông trong những năm 720, xâm nhập vào thành phố Autun thuộc công quốc Burgundy trong năm 725.

Bị đe dọa bởi cả thế lực Umayyad ở phía nam và người Frank ở phía bắc, trong năm 730, Odo liên minh với đô đốc Hồi giáo người Berber là Uthman ibn Naissa (được người Frank gọi là "Munuza", vị phó vương của vùng mà sau này là Catalonia). Khi đó, để đánh dấu sự liên minh, Uthman đã cưới Lampade, con gái của Odo. Qua đó các cuộc tấn công của người Moor trên toàn rặng núi Pyrenees, biên giới phía nam của Odo, đã chấm dứt.[23] Tuy nhiên, năm tiếp theo, Uthman nổi dậy chống lại tiểu vương al-Andalus là ‘Abd-al-Raḥmân, người đã nhanh chóng nghiền nát cuộc nổi dậy và hướng sự chú ý của mình vào Odo. ‘Abd-al-Raḥmân đã đưa một lực lượng rất lớn của các kỵ binh nặng Ả Rập và kỵ binh nhẹ Berber, cộng với bộ binh từ tất cả các tỉnh của Caliphate, trong một nỗ lực của triều Umayyad để chinh phục phần châu Âu nằm phía bắc rặng núi Pyrenees. Công tước Odo (được gọi là Vua bởi một số người), thu thập quân đội của mình tại Bordeaux, nhưng đã bị đánh bại, và Bordeaux bị cướp bóc. Việc tàn sát các Kitô hữu tại trận sông Garonne rõ ràng là khủng khiếp.[24] Lực lượng kỵ binh của Umayyad sau đó tàn phá thảm khốc vùng này của xứ Gaul. Các sử gia của họ miêu tả lại rằng "binh lính đã vượt qua các ngọn núi, dẫm lên trên mặt đất gồ ghề và bằng phẳng, cướp bóc vào đất nước của người Frank và phá hủy tất cả bằng những thanh kiếm, đến nỗi khi Eudo đến giao chiến với họ ở sông Garonne, ông ta đã phải bỏ chạy".[25]

Odo kêu gọi người Frank chi viện, điều mà Charles Martel chỉ chấp nhận sau khi Odo đã đồng ý thần phục người Frank. Bên phía Umayyad dường như không biết đến sức mạnh thực sự của người Frank. Quân Umayyad không đặc biệt quan tâm tới một bộ tộc German nào cả, và theo sử của họ ghi lại thì sự nhận thức rằng người Frank là một thế lực quân sự đang nổi lên chỉ đến sau trận Tours. Trong cuộc tiền quân, quân Hồi giáo cũng không tiến hành trinh sát lên phía bắc để tìm hiểu về kẻ thù tiềm tàng của mình, vì nếu họ có làm, thì chắc chắn sẽ phải lưu ý tới Charles Martel, vì ông đã nổi lên tại châu Âu từ năm 717. Nếu điều này xảy ra, nó đã có thể cảnh báo cho Umayyad biết rằng một quyền lực thực sự được dẫn đầu bởi một vị tướng tài năng đang vùng lên trong đống tro tàn của Đế quốc Tây La Mã.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trận_Tours http://militaryhistory.about.com/b/a/118230.htm http://wwwa.britannica.com/eb/article-9060566 http://print.google.com/print?id=xqfhvfOhW3EC&dq=+... http://www.lbdb.com/TMDisplayBattle.cfm?BID=250 http://www.saudiaramcoworld.com/issue/199302/the.a... http://home.eckerd.edu/~oberhot/moussais.htm http://www.fordham.edu/halsall/source/732tours.htm... http://www.wsu.edu:8080/~dee/ISLAM/UMAY.HTM http://www.deremilitari.org/resources/articles/wat... http://www.jewishvirtuallibrary.org/jsource/Histor...